08h00-20h00 hàng ngày
Phòng khám tai mũi họng Hải Hà ×

Bác sĩ tư vấn 10 cách phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ 1,5 – 5 tuổi rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Khi thời tiết thay đổi, tai mũi họng là cơ quan cửa ngõ và chịu trận đầu tiên. Nếu không chăm sóc tích cực và điều trị kịp thời, trẻ rất dễ biến chứng xuống đường hô hấp dưới (xoang, phế quản, tiểu phế quản, phổi).

Kết quả hình ảnh cho tiến sĩ nguyễn tuyết xương

Để phòng ngừa, các bác sĩ gợi ý 10 cách chăm sóc trẻ dưới đây:

– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì càng lâu càng tốt đến 2 tuổi.

– Khuyến khích trẻ vận động ngoài trời hoặc đến lớp, ngay cả khi trời lạnh để tôi luyện hệ miễn dịch.

– Rửa mũi cho trẻ sau khi ra ngoài về theo đúng hướng dẫn y tế: cho trẻ nằm ngiêng, đầu thấp mông cao, xịt rửa mũi bên trên để chảy tự nhiên xuống mũi dưới.

– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, thơm má, ho gần trẻ. Trẻ đi đường nên đeo khẩu trang phòng bụi bẩn, không khí ô nhiễm.

– Nên cho trẻ mặc ấm, nhưng khi trẻ vận động toát mồ hôi, nên cởi bớt trang phục.

– Trẻ nên được ăn dặm đủ chất sau 6 tháng, bổ sung vitamin và khoáng chất.

– Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi vận động.

– Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ, có thể dùng văcxin khô dự phòng nhiễm trùng hô hấp.

– Nếu trẻ có tần suất ho, sổ mũi nhiều, nên cho trẻ đi khám nội soi tai mũi họng để đánh giá tình trạng amidan và VA quá phát.

– Trẻ viêm mũi họng nên điều trị ngay và dứt điểm, tránh để bệnh nặng gây biến chứng, tránh tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh bừa bãi.

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

– Bác sĩ cho hỏi, bé nhà cháu gần 3 tuổi. Mặc dù đi ra ngoài hay đi học vẫn được mặc ấm, đeo khẩu trang và thường xuyên cho đi tất chân. Nhưng cháu vẫn hay bị ho, viêm họng (ho khan, ít đờm). Đêm ngủ thì cháu được đắp chăn nhưng hay đạp chăn ra, bố mẹ vẫn thỉnh thoảng đắp lại cho cháu. Như vậy liệu do cháu nằm ngủ hay đạp chăn ra như vậy nên hay bị ho, viêm họng hay bị ảnh hưởng bởi vấn đề nào khác (không khí, khói bụi…)? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Hạnh, 34 tuổi, 10A, Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương:
Chào bạn,

Trẻ 3 tuổi rất dễ mắc các bệnh viêm amidan. Khi amidan và VA quá phát sẽ gây cản trở đường thở, khiến trẻ phải thở bằng miệng. Không khí qua mũi thường ấm và sạch hơn qua đường miệng.

Khi đường thở bằng mũi bị cản trở thì vi khuẩn hiếm khí phát triển mạnh hơn, dễ gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Ngoài ra, cơ địa dị ứng, hen phế quản tiềm tàng, tình trạng dinh dưỡng… cũng là những yếu tố nguy cơ có thể gây ho, viêm họng tái diễn.

Bạn nên đến bác sĩ nội soi tai mũi họng để chẩn đoán đúng bệnh và nguyên nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương và bác sĩ Đỗ Hồng Điệp – Bác sĩ nội trú Tai mũi họng Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.

– Bé nhà tôi 7 tuổi, thường xuyên sưng amidan, có nên đi cắt không? (Ngọc Trà, 39 tuổi, Phố Xốm – Ba La – Hà Đông – Hà Nội)

– Bác sĩ nội trú Đỗ Hồng Điệp:

Chỉ định cắt amidan/ nạo VA gồm 2 nhóm:

Nhóm 1: amindan quá phát gây các triệu chứng tắc nghẽn: ngủ ngoáy to, kèm dấu hiệu khó thở tắc nghẽn đường hô hấp trên khi ngủ, gây khó khăn trong việc nói và ăn uống. Nếu VA to thì gây ngạt mũi kéo dài.

Nhóm 2: gây nhiều đợt viêm tái diễn trong năm hoặc gây các biến chứng gần (viêm tai giữa, viêm mũi xoang nhiều đợt…) hoặc biến chứng xa (viêm cầu thận do liêm cầu).

Nếu con bạn thường xuyên có dấu hiệu tắc nghẽn do amidan quá phát thì cần khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để được chuẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.

– Thưa bác sĩ, với các bé dưới một tuổi làm sao để giảm và phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Xin cảm ơn! (Đỗ Thị Anh Trang, 29 tuổi, Quảng Ngãi)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Nếu bú mẹ, trẻ sẽ được kế thừa lượng kháng thể dồi dào qua sữa mẹ. Bạn nên duy trì cho bé bú mẹ, tốt nhất là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì đến 2 tuổi. Trẻ cũng nên được ăn dặm đủ chất sau 6 tháng và tiêm chủng đầy đủ.

Trẻ bụ bẫm hay được các ông bố bà mẹ đưa con đi chơi, mang khoe, thơm má. Tôi thường xuyên gặp trường hợp bố mẹ sáng đưa con đi chơi, tối đưa con đến viện thăm khám. Vì vậy, lưu ý nên giữ gìn trẻ khi đi ra đường, rửa mũi sau khi ra ngoài về theo đúng hướng dẫn y tế. Cụ thể, cho trẻ nằm ngiêng, đầu thấp mông cao, xịt rửa mũi bên trên để chảy tự nhiên xuống mũi dưới.

– Làm sao để vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh? Tôi vẫn đang dùng nước muối sinh lý để lau tai thôi chứ không ngoáy vào bên trong. Hiện tôi ở bên Nga, bác sĩ bên đó có bảo không dùng natri clorid 0.9% để nhỏ mũi cho trẻ con vì có chứa muối. Thế là đúng hay sai? (Trần Mai Chi, 29 tuổi, Liên Bang Nga)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Ráy tai là tổ chức bã được tiết ra hàng ngày ở ống tai ngoài (có ráy tai khô hoặc ướt). Bạn nên vệ sinh cửa tai cho bé bằng tăm bông phù hợp với lứa tuổi khoảng 2-3 ngày một lần, tránh để nước vào tai. Không nhỏ nước muối vào ống tai nếu không có chỉ định của bác sĩ cũng như không nên đưa tăm bông vào sâu trong ống tai, vì có thể đẩy ráy tai vào sâu phía trong, thậm chí làm tổn thương thành ống tai và màng nhĩ.

Nước muối sinh lý có thể nhỏ mũi cho trẻ khi có các dấu hiệu ở mũi như chảy dịch mũi, ngạt mũi… Nước muối sinh lý là dung dịch đẳng trương có chứa natri clorid 0.9% có thể nhỏ mắt, mũi mà không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, không nên nhỏ mũi bằng natri clorid 0.9% cho trẻ thường xuyên nếu trẻ không có triệu chứng gì.

– Thưa bác sĩ, cháu nhà tôi 4 tuổi từ khi đi học mẫu giáo cháu rất dễ lây bệnh từ các bạn. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cách phòng tránh. Cảm ơn bác sĩ (Lan Anh, 36 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Sau 4 tuổi, trẻ không còn nhận được hỗ trợ miễn dịch từ sữa mẹ, mà phải tự chống chọi với các tác nhân gây bệnh. Trẻ đi học thường ốm do môi trường thay đổi đột ngột, dễ lây bệnh từ người khác do tiếp xúc với quá nhiều bạn học. Thông thường, trẻ có thể ốm nhiều đợt suốt 2-3 tháng đầu đi học.

Khi trẻ ốm, nên cho trẻ đi khám để chữa trị khỏi. Trẻ khỏe mạnh có thể ốm một tuần, có trẻ bệnh cả tháng. Sau khi trẻ hồi phục, nên tiếp tục cho trẻ đi học, bởi cha mẹ không thể giữ con mãi ở nhà. Hơn nữa, đi học tạo cơ hội cho trẻ tôi luyện hệ miễn dịch tự nhiên.

Cha mẹ nên bổ dung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, xây dựng chế độ ăn ngủ, tập luyện khoa học, có thể dùng văcxin khô dự phòng nhiễm trùng hô hấp…

– Thưa bác sĩ, mùa này thời tiết lạnh nhưng các cháu nhà tôi rất thích tham gia hoạt động ngoài trời. Theo bác sĩ tôi có nên hạn chế các cháu ra ngoài vào những hôm trời lạnh không? Và nên chuẩn bị những gì để các cháu không bị nhiễm bệnh đường hô hấp? (Khánh Ngọc, 39 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Cha mẹ đừng ngần ngại cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, thậm chí khi trời tiết lạnh. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, mùa đông lạnh đến -46 độ, cha mẹ vẫn cho trẻ đi học, ra ngoài đường vui chơi, ném tuyết.

Tham gia các hoạt động ngoài trời giúp trẻ phát triển thể chất, tư duy, trí tuệ, nhân cách… Tuy nhiên, trẻ không nên vận động quá sức.

Nên cho trẻ mặc ấm, nhưng khi trẻ vận động nóng, toát mồ hôi, nên cởi bớt trang phục. Cha mẹ cũng cần lưu ý nên cho trẻ uống đủ nước trước và sau lúc vận động để bù đắp lượng mồ hôi mất đi. Ngoài ra, nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

– Con trai em hiện 9 tuổi, rất hay bị viêm xoang. Cháu đã uống nhiều thuốc kháng sinh, chữa ở mọi nơi nhưng vẫn không khỏi. Xin hỏi bác sĩ có thể cho cháu chuyển sang dùng thuốc Đông y được không ạ? (Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, Lê Lợi – Hà Đông)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Diệp:

Viêm mũi xoang là một trong những bệnh viêm đường hô hấp hay gặp ở trẻ. Có những yếu tố thuận lợi gây viêm xoang như viêm mũi dị ứng, viêm VA hay dị hình giải phẫu trong hốc mũi… Cần tìm hiểu căn nguyên gây bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

Một số thuốc Đông y trên thị trường hiện nay có tác dụng co hồi cuốn mũi, giúp dẫn lưu dịch mũi xoang tốt hơn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không nên dùng kéo dài vì có thể gây viêm mũi do thuốc.

bac-si-tu-van-10-cach-phong-benh-tai-mui-hong-cho-tre-1
Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.
– Con em gần 3 tháng tuổi, cứ trời lạnh với về đêm hay bị khò khè, không ho, không sốt, không có mũi. Em có hỏi mọi người, thì bảo rằng thường trẻ sơ sinh đứa nào cũng vậy nhất là những đứa sinh mổ, rồi nó tự hết, nên em vẫn để ở nhà theo dõi và nhỏ nước muối sinh lý cho con. Bác sĩ cho em hỏi, có phải khò khè sẽ tự hết hay không ạ? (Ngọc Oanh, 25 tuổi, Hòa Bình)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Trước hết, tình trạng khò khè của bé cần được đánh giá nguyên nhân, mức độ, vị trí ở đường hô hấp trên hay dưới. Ở đường hô hấp trên có thể là ngạt mũi, còn đường hô hấp dưới liên quan đến khí phế quản. Nếu trẻ khò khè tái diễn hoặc kéo dài, bạn nên đưa cháu đến cơ sở tai mũi họng hoặc hô hấp nhi khoa để thăm khám.

– Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, một cháu 5 tuổi, một cháu một tuổi, bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc, vệ sinh cho các cháu nhỏ để phòng tránh các bệnh hô hấp. Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Tú, 40 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Các bệnh hô hấp rất thường gặp ở trẻ em. Mũi họng tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài; vì vậy khi không khí biến đổi, độ ẩm tăng giảm bất ngờ, vi khuẩn và virus tấn công qua đường thở… thì mũi họng là cơ quan chịu trận đầu tiên. Khi đường hô hấp trên (tai mũi họng) có vấn đề, trẻ rất dễ mắc thêm các bệnh đường hô hấp dưới (xoang, phế quản, tiểu phế quản, phổi).

Để phòng bệnh cho trẻ, bạn nên lưu ý những điều dưới đây:

– Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài đường, đeo khẩu trang khi đi xe máy, đễn chỗ đông người.

– Cho trẻ ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất

– Cho trẻ uống đủ nước, điều này nhiều cha mẹ thường bỏ quên

– Nếu trẻ có tần suất mắc bệnh nhiều, nên cho trẻ đi khám nội soi tai mũi họng. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng amidan và VA để có phương án giải quyết thích hợp.

Nhiều người băn khoăn rằng, amidan và VA là những cơ quan sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi amidan và VA sưng quá to gây viêm nhiễm nhiều lần trong năm (trên 5 lần mỗi năm) hoặc gây biến chứng nguy hiểm (biến chứng vào tim gây thấp tim, vào khớp…), thì bác sĩ khuyên nên nạo VA hoặc cắt adiman hoặc làm cả hai.

Lúc này, amidan và VA hầu như không còn chức năng sản sinh ra kháng thể, mà trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Ở trẻ bình thường, amidan và VA cũng hết chức năng sinh ra kháng thể sau 6 tuổi.

Ngoài ra, trẻ nạo VA và cắt amidan không cần kiêng nói cười như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ. Trẻ có thể nói ngay sau khi tiểu phẫu xong, chỉ kiêng đồ chua và nóng.

– Bé nhà mình 2 tuổi, hay bị ho và sổ mũi khi thời tiết thay đổi. Cho hỏi bác sĩ có cách nào phòng tránh không ạ? (Dương Kim Huệ, 28 tuổi, Thường Tín – Hà Nội)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Trẻ em dễ mắc bệnh đường hô hấp vào giai đoạn chuyển mùa hoặc thay đổi thời tiết vì đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh nguyên là vi khuẩn, virus bùng phát. Đồng thời, trẻ dễ nhiễm lạnh hoặc khởi phát các dấu hiệu dị ứng đường hô hấp (ở cơ địa dị ứng). Bạn nên giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ ở nơi có gió lùa, tránh ra mồ hôi trộm.

Bạn cũng nên tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus lây qua đường hô hấp. Khi trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp thì nên được khám sớm, tránh để bệnh nặng hơn.

– Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em được hơn 3 tuổi, mặc dù đi ra ngoài được mặc ấm, đeo khẩu trang. Nhưng đợt này cháu bị ho, mũi nhiều ngày không khỏi, mặc dù đã cho uống kháng sinh. Em rất sợ cháu bị xoang mũi. Bác sĩ cho em hỏi biểu hiện của viêm xoang ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh, chữa trị ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều! (Thiên Lý, 29 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Viêm xoang ở trẻ nhỏ là bệnh tương đối hiếm gặp hơn người lớn, thường bắt đầu sau một trận viêm mũi họng thông thường, sau đó chảy mũi kéo dài, mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, thường có mùi hôi.

Viêm xoang ở trẻ nhỏ biểu hiện đau không rõ ràng, muốn biết chính xác cần nội soi tai mũi họng hoặc chụp CT mũi xoang. Viêm xoang ở trẻ có thể dẫn đến biến chứng vào ổ mắt và xương hàm (cốt tủy viêm xương hàm), hiếm gặp hơn là vào não. Để phòng tránh, bạn cần:

– Cần thiết phải vệ sinh mũi họng cho trẻ khi trẻ

– Trẻ viêm mũi họng thông thường nên điều trị ngay và dứt điểm, tránh để bệnh nặng gây biến chứng. Bạn cần cho con đi khám bệnh, tránh tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh bừa bãi.

– Điều trị dị ứng đi kèm theo, nếu có

– Cần nạo VA hoặc cắt amidan quá phát nếu trẻ có chỉ định phẫu thuật.

– Conem năm nay 4 tuổi, cứ đến mùa đông là cháu hay bị cúm, có khi kéo dài cả tháng, uống thuốc, xịt rửa các loại nhưng vẫn không khỏi. Bác sĩ cho em hỏi bị cúm thế này cần chữa trị như thế nào và phác đồ điều trị ra sao? (Nguyễn Thị Hằng, 40 tuổi, Bách hóa Thanh Xuân – Hà Nội)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus cúm, diễn biến trong thời gian 5-7 ngày, trẻ có thể mắc một vài lần trong năm. Nếu con bạn có triệu chứng kéo dài cả tháng thì không phải bệnh cúm mà có thể viêm đường hô hấp do dị ứng hoặc viêm VA. Bởi vậy, bạn cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Bạn nên đưa trẻ đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.

– Cháu năm nay 16 tuổi, vừa cắt amidan được một tuần. Nhưng một tuần vừa qua, sau cắt tầm 3 ngày cháu có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, không thể ngồi dậy hay làm việc gì, cứ vậy mà ngủ vô thức… Bác sĩ có thể cho cháu biết đấy là triệu chứng gì không ạ? (Thu Hoài, 16 tuổi, Nam Định)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Sau khi cắt amidan, bệnh nhân có thể đau 3-5 ngày. Bác sĩ thường kê thêm thuốc giảm đau và kháng sinh, khuyên bệnh nhân ăn đồ nguội, kiêng đồ chua, nóng.

Nếu bệnh nhân được cắt amidan gây mê, một số trường hợp có thể có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn và nôn sau vài tiếng, thậm chí vài ngày. Các triệu chứng này sẽ hết dân và không ảnh hưởng đến lâu dài.

Cháu nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất để cơ thể nhanh hồi phục.

Chúc cháu mau khỏe!

– Bác sĩ cho em hỏi tại sao vào mùa xuân em hay bị ho do dị ứng kéo dài? Năm ngoái em có về Việt Nam 2 tháng, chữa trị các kiểu không khỏi. Nhưng khi sang Nga lại khỏi luôn mà không cần uống thuốc gì cả. Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân, cách phòng tránh ho dị ứng vào mùa xuân? (Nguyễn Thị Thu Trang, 25 tuổi, Ninh Bình)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Viêm đường hô hấp do dị ứng là tình trạng xuất hiện các triệu chứng: ngạt mũi, chảy dịch mũi, ngứa mũi, ho ngứa họng… khi tiếp xúc với dị nguyên. Tình trạng của bạn là biểu hiện dị ứng ngắt quãng do dị nguyên xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong năm (mùa xuân thường có các dị nguyên là phấn hoa, nấm mốc…). Vì vậy, ngoài mùa xuân hoặc khi bạn hay đổi nơi ở, tức là không tiếp xúc với dị nguyên đó nên không xuất hiện triệu chứng. Bạn có thể đến các trung tâm dị ứng miễn dịch để làm các xét nghiệm tìm dị nguyên hoặc dùng thuốc chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ.

bac-si-tu-van-10-cach-phong-benh-tai-mui-hong-cho-tre-2
Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp – Bác sĩ nội trú Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Ngọc Thành
– Chào bác sĩ, bé nhà tôi gần 3 tuổi, dạo gần đây cháu hay sổ mũi xanh đặc, ngày nào tối khi đi ngủ bố mẹ cháu cũng rửa mũi bằng nước muối và xịt mũi bằng lọ nước muối biển mua ở hiệu thuốc, nhưng không thấy giảm mà mũi vẫn sổ ra nhiều. Làm thế nào để cháu nhanh khỏi thưa bác sĩ, vì như thế cháu rất khó ngủ và phải thở bằng miệng, ho vì có đờm ở họng. (Yến, 32 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Trẻ 1,5 – 5 tuổi rất dễ bị viêm VA. Bé nhà bạn ngạt mũi, chảy nước mũi kéo dài và phải thở bằng miệng rất nguy hiểm, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp dưới (xuống phế quản, phổi). Theo suy đoán của tôi, trẻ có nhiều khả năng viêm VA hoặc viêm xoang. Bạn nên cho bé đi nội soi tai mũi họng để chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị hiệu quả.

Chúc bé mau khỏi bệnh!

– Con gái cháu chị sốt nhẹ dài ngày, chảy nước mũi, thở hôi, uống kháng sinh nhiều đợt, chỉ đỡ mà không khỏi là sao ạ? (Nguyễn Thị Mai Hoa, 35 tuổi, 165 Dương Quảng Hàm – Hà Nội)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Thứ nhất, cháu đã được khám chuyên khoa tai mũi họng hay chuyên khoa nhi chưa. Việc uống kháng sinh có theo chỉ định của bác sĩ không?

Thứ hai, các dấu hiệu kể trên có thể nghĩ tới viêm đường hô hấp có nhiễm khuẩn (viêm mũi, viêm VA). Trẻ cần được khám để loại trừ viêm tai giữa. Ngoài ra cần làm xét nghiệm nước tiểu để loại trừ viêm đường tiết niệu – một trong những căn nguyên nhiễm khuẩn ở trẻ gái.

– Cháu nhà em 14 tháng tuổi. Cả tháng nay cháu bị ho (có đàm), khò khè, tối ngủ cháu thở hơi lớn tiếng, có khi thở bằng miệng, tối ngủ chỉ nằm quạt không mở máy lanh. Từ khuya trở đi thì tắt quạt hẳn. Cho em hỏi tình trạng như vậy khi nào sẽ hết và có ảnh hưởng tới đề kháng cũng như phát triển của trẻ không ạ. Cháu uống sữa công thức ạ. Em xin cảm ơn. (Nguyễn tất thành, 1 tuổi, 41 nguyễn văn tráng quận1)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Với trẻ 14 tháng tuổi thở khò khè, theo đánh giá của tôi, ngạt mũi kéo dài thường do viêm mũi họng và viêm VA. Bạn nên cho trẻ đi khám tai mũi họng, ngoài ra, cần khám thêm chuyên khoa hô hấp để đánh giá tình trạng phổi.

Buổi tói, bạn vẫn có thể mở điều hòa cho bé ngủ ở nhiệt độ 26-28 độ. Chắc chắn tình trạng ho, khò khè cả tháng sẽ ảnh hưởng đến đề kháng của trẻ. Bạn nên cho trẻ thăm khám sớm thì bệnh mới hết được và không bị nặng thêm.

– Cháu nhà tôi 18 tháng tuổi, hay bị khò khè, có đờm. Khi đi chụp phổi thì bên phải phần khí quản nhô ra hình cánh buồm, bác sĩ bảo cũng là nguyên nhân gây khò khè, nhưng không cần uống thuốc mà chỉ chú ý chăm sóc và theo dõi thêm. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Cám ơn bác sĩ (Ngô Văn Chinh, 38 tuổi, số 27 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Trẻ chỉ khò khè đơn thuần, không ho, không sốt, ăn uống bình thường, thì cha mẹ chỉ cần theo dõi. Nếu trẻ có dấu hiệu lạ hoặc nghiêm trọng, nên đi khám ngay.

– Thưa bác sĩ, con cháu được gần 2 tuổi. Vào mùa rét này con cháu rất hay bị ho và ra nhiều mồ hôi trộm mặc dù cháu đã cố gắng chăm sóc giữ ấm cũng như lau người khi bé ra mồ hôi. Vậy bác sĩ có lời khuyên nào dành cho cháu không ạ? (Kim Chi, 30 tuổi, Thanh Hóa)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Trước hết, bạn cần phân biệt bé ra mồ hôi trộm hay toát mồ hôi do mặc nhiều đồ. Nguyên nhân gây mồ hôi trộm có thể do thiếu canxi (cần xét nghiệm canxi máu). Nếu trẻ thiếu canxi, bạn cần bổ sung canxi và vitamin D, đặc biệt vào mùa rét.

Khi ở trong phòng kín, bạn cũng không nên mặc quá nhiều đồ cho trẻ để tránh ra mồ hôi khiến trẻ bị nhiễm lạnh và viêm đường hô hấp.

– Bác sĩ cho em hỏi, con nhà em được 7 tuổi. Cháu thường xuyên bị sổ mũi. E đã cho đi khám tai mũi họng và bác sĩ có kết luận bị viêm xoang mãn tính. Cháu có điều trị kháng sinh rồi nhưng qua 3 đợt thuốc là 15 ngày cháu vẫn chưa khỏi. Bác sĩ cho xin lời khuyên. Hiện bé đang xịt nước muối biển hàng ngày. Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Nguyễn Thị Thủy, 32 tuổi, Quế Võ, Bắc Ninh)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Trẻ được chấn đoán viêm xoang là đúng bệnh. Xịt nước muối biển hàng ngày cũng rất cần thiết để hỗ trợ điều trị bệnh.

Theo y văn thế giới, nếu viêm xoang mạn tính (đặc biệt trong trường hợp có biofim) và điều trị nội khoa, các bác sĩ hiện nay khuyến cáo nên dùng kháng sinh 5-7 tuần, đồng thời khám và điều trị các bệnh dị ứng kèm theo. Ngoài ra, cần khám và đánh giá các bất thường giải phẫu của mũi xoang và vách ngăn (cuống mũi quá phát, vẹo vách ngăn…) để có biện pháp xử trí kết hợp.

– Em bị mất tiếng 7 tuần, trong cổ có hạch chạm vào rướm máu, không đau họng, có đàm trắng mỗi sáng. Em khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ cho thuốc uống viêm thanh quản, giờ đã giảm khàn tiếng nhưng hạch trong cổ họng vẫn còn. Bác sĩ cho em hỏi, hạch trong cổ họng của em là bệnh gì vậy? (Quốc Tuấn, 28 tuổi, Thạch Thất)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Nếu bạn làm nghề phải nói nhiều, thì bệnh của bạn có thể liên quan đến đặc tính nghề nghiệp.

Những bệnh hô hấp về họng và vùng cổ thường có hạch ở góc hàm, dưới hàm, dọc cơ ức đòn chũm, thượng đòn… Ở các vị trí này, bác sĩ có thể sở nắn và không thể rớm máu được. Có thể bạn miêu tả không chính xác vị trí của hạch hoặc hiểu lầm hạch với tổ chức khác trong họng như amidan đáy lưỡi, amidan khẩu cái…

– Năm 2014 chồng tôi bị bệnh “u tuyến mang tai trái” đã được làm phẫu thuật và xạ trị 25 tia tại Bệnh viện Ung bướu. Khi xạ trị xong chồng tôi đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tới bây giờ vẫn tái khám và mọi kết quả tái khám đều bình thường.
Tôi thấy các bác sĩ ở bệnh viện chỉ cho chồng tôi siêu âm tại vùng phẫu thuật. Tôi muốn kiểm tra kỹ hơn và nghe nói có tầm soát ung thư tại Bệnh viện 115.
Tôi có thể làm tầm soát ung thư cho chồng tôi không? Và chi phí trung bình là bao nhiêu? Mong nhận được câu trả lời từ bác sĩ. Tôi xin chân thành cảm ơn (Thúy Hòa, 25 tuổi, Thanh Trì)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Chồng bạn đã được cắt u tuyến mang tai trái và xạ trị, tức là chồng bạn bị ung thư rồi, nhưng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đưa chồng đi tầm soát.

– Con trai tôi được 15 tháng tuổi, cháu khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng bị ho. Tôi có đi khám thì lần nào cháu cũng bị viêm đường hô hấp trên và phải uống kháng sinh. Tôi muốn biết bệnh này là do cha mẹ không giữ ấm tốt cho bé hay do sức đề kháng của bé không tốt hay vì nguyên nhân nào khác? Cháu còn nhỏ nhưng uống kháng sinh nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Bác sĩ tư vấn giúp tôi (Ngọc Anh, 27 tuổi, Hà Nội)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Ho là một triệu chứng của đường hô hấp, có nhiều nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây viêm đường hô hấp. Các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, virus, điều kiện chăm sóc trẻ… Yếu tố nội tại như tình trạng dị ứng đường hô hấp, VA, khả năng miễn dịch, sức đề kháng của mỗi trẻ. Ho không đồng nghĩa với việc phải dùng kháng sinh mà cần chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định dùng thuốc phù hợp.

– Thưa bác sĩ, bé nhà em được hơn 9 tháng, đợt vừa ròi cháu bị viêm phế quản đã uống kháng sinh 1 tuần nằm viện điều trị 9 ngày uống thuốc kháng sinh của bác sĩ (có tiếng là hay kê liều cao) 5 ngày và uống thuốc đông y thêm 4 ngày. Sau khoảng vài ngày, cháu đã khỏi hẳn nhưng rất biếng ăn dù trước đây cháu rất hay ăn, cháu chỉ ăn ít một và ăn những đồ lại miệng.

Hôm qua em phát hiện ở lưỡi cháu có một số nốt đỏ, không phải mụn, không hẳn là vết loét chỉ là vết rất đỏ, mặt và bụng cháu cũng có một số mụn như rôm. Em cho cháu đi khám ở trạm y tế xã, họ nói họng bé cũng rất đỏ, cần theo dõi xem có mọc mụn ở chân tay không. Họ chẩn đoán là viêm miệng (nhiệt miệng) và viêm họng, có cho thuốc điều trị. Hiện tại cháu vẫn chơi đùa, nhưng biếng ăn, lúc ngủ thi thoảng có giật mình, có lúc khóc lên. Liệu bé có phải bị chân tay miệng không ạ. Mong bác sĩ trả lời sớm giúp em. (Hồng Nhung, 31 tuổi, Đắc Nông)

– Bác sĩ Đỗ Hồng Điệp:

Các dấu hiệu em kể có thể nghĩ đến bệnh tay chân miệng. Trẻ có xuất hiện giật mình thì cần phải đi khám ngay tại cơ sở nhi khoa hoặc truyền nhiễm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

– Em vừa cắt amidan hôm qua, sao hôm nay về đau và rất nhiều đờm, em khạc nhổ thì bị ù và đau hai bên tai, giờ cảm giác đâu không nuốt được gì nữa, người thì phát sốt lên. Bác sĩ cho em hỏi, em có bị làm sao không? (Thanh Lam, 20 tuổi, Ba Vì)

– Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương :

Các triệu chứng này thường xảy ra sau phẫu thuật cắt amidan. Bạn không nên quá lo lắng, chúng sẽ hết sau vài ngày. Bạn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý và nghỉ ngơi đầy đủ.